1/ Trước hết, ta phải tìm cách giúp trẻ biết yêu thương chính bản thân mình. Vì điều này làm cho trẻ cảm thấy tự tin hơn nhiều.
Trong công việc của mình tôi đã từng tiếp xúc với hàng nghìn các em học sinh sinh viên, cũng như các bậc phụ huynh từ nhiều vùng miền trong nước. Và tôi phát hiện ra một điều, đa số các bậc cha mẹ thường đối đáp với con của mình như những đứa trẻ (bởi vì trong mắt cha mẹ con luôn bé dại như ngày nào). Chính vì vậy, cha mẹ chúng ta đã góp phần khiến trẻ kém tự tin mà vô tình không hay biết. Ta thường hay than vãn, biểu lộ cho trẻ thấy những khiếm khuyết của vẻ bề ngoài hay một tật xấu nào đó làm cho trẻ mặc cảm, không còn tự tin ở bản thân mình nữa. Có trẻ còn chán ghét, xem thường bản thân mình đến nỗi muốn hủy hoại đi. Vậy, để giúp con trẻ tự tin, cha mẹ chúng ta hãy tìm ra những điều tích cực trong khiếm khuyết của con, cho con nhận thấy không có gì sai hay kém cỏi trong những thiếu sót đó. Từ đấy, trẻ sẽ biết trân trọng, yêu thương bản thân mình, thay vì lo lắng và muốn thay đổi bằng mọi giá. Nhất là hình thức bên ngoài của trẻ.
Ví dụ: cha mẹ vẫn thường nói đùa “Sao con ăn như hạm thế? Nhìn con chẳng khác gì mấy con heo nhà bác Tám ấy!”
Câu nói ấy tưởng chừng vô hại, nhưng thật ra ta đã vô tình làm cho trẻ lo lắng về điều đó, cộng với những trêu chọc của mọi người xung quanh sẽ làm cho trẻ càng trở nên tự ti hơn. Thay vì chê bai, trêu chọc, ta hãy tìm ra những điểm đáng yêu để khen ngợi thay cho khiếm khuyết không thể thay đổi và ngầm giúp trẻ tìm cách khắc phục những điểm khuyết có thể sửa chữa một cách khéo léo. Tôi tin, từ đó trẻ sẽ hoàn toàn tự tin về bản thân mình và còn hợp tác với ta để thay đổi nữa.
Tôi cũng là một cậu bé mập mạp từ nhỏ tới lớn, bởi vì tôi khó mà điều khiển mình trước sự hấp dẫn của thức ăn. Mẹ vừa giúp tôi giảm cân vừa hay nói với tôi: “Những người mập béo, sau này họ thường là những diễn viên hài nổi tiếng thế giới.” Câu nói đó tưởng chừng chẳng ăn nhập gì, nhưng nó lại là nguồn động lực to lớn để tôi vượt qua những trêu chọc của lũ bạn khi chúng nó nói về ngoại hình quá khổ của mình. Tôi vẫn thản nhiên không hề tức giận, dần chẳng còn đứa nào hứng thú trêu chọc nữa.
2/ Hãy là hoa tiêu của con (Người dẫn đường)
Bạn biết đấy, con bạn sẽ học mọi thứ từ bạn. Cho nên trước khi than phiền rằng con rụt rè, hay không đủ can đảm để khám phá học hỏi thêm những điều mới lạ; bạn cần nghiêm khắc xem lại chính bản thân mình.
Bạn có hay than phiền về những chuyện xảy ra ở công ty? Bạn có thường kể lể về những cuộc gặp gỡ của bạn với người khác? Bạn có hay tỏ thái độ lo ngại khi tham dự những buổi tiệc? Bạn có sẵn sàng để tham gia những thử thách hay những trò chơi mạo hiểm? Bạn có hay than vãn về cuộc sống của mình? Bạn có rụt rè khi tiếp nhận công việc mới? Bạn có luôn đổ lỗi khi thất bại trong công việc hoặc chán nản bỏ cuộc? Bạn có sẵn sàng tham gia mọi việc trong gia đình bằng thái độ hào hứng, hăng say?[/pullquote]
Thử trả lời những câu hỏi trên, và suy nghĩ thêm về những việc bạn thường làm hằng ngày, bạn sẽ nhận thấy rõ ràng: “Con của bạn hành xử trước những tình huống trong cuộc sống đúng như cái cách mà cha mẹ chúng vẫn thường phản ứng”. Cho nên, nếu bạn muốn thay đổi con của mình, muốn con tự tin hơn từ ngày hôm nay thì chính bản thân bạn cần làm điều đó ngay từ ngày hôm nay trước đã.
3/ Hãy là người bạn đồng hành thay vì là người thầy khó tính
Trong cuộc sống với muôn vàn biến đổi, con người cũng phải thay đổi theo từng ngày. Bạn lo lắng cho tương lai của con, sợ những điều tiêu cực, xấu xa của xã hội ảnh hưởng đến tính cách, cuộc sống của chúng. Làm sao để ngăn ngừa trẻ giao du với bạn bè hư hỏng?… Thay vì chỉ suy nghĩ và lo lắng, bạn hãy tìm ra hướng giải quyết cho con, cho chính bản thân mình nữa.
Cách tốt nhất cần phải làm, chính là giao tiếp với con, khi giao tiếp với con bạn nhớ quan tâm đến mấy điều sau:
- Lắng nghe và thấu hiểu con thay vì vội vàng phán xét. Tôi luôn tin rằng, đằng sau mỗi hành động của một con người nếu hành động đó không có chủ ý hại ai thì nó luôn ẩn chứa một ý nghĩa tích cực nào đó.
- Chấp nhận ý kiến của con thay vì cho rằng con suy nghĩ không đủ chín chắn. Xin lưu ý bạn, con chưa đủ chín chắn nên chúng mới cần nhờ đến sự hỗ trợ của cha mẹ.
- Tin tưởng và bình tĩnh trước những điều con chia sẻ, để câu chuyện của con được trọn vẹn. Sau đó ta cũng chia sẻ với con những kinh nghiệm bản thân để con lựa chọn thay vì áp đặt. Bởi vì, bạn sẽ không hiểu mọi chuyện bằng người trong cuộc.
Sau một thời gian, bạn nhớ hỏi con đã giải quyết mọi chuyện ra sao? Đóng góp với con những suy nghĩ tích cực, để con có thêm kinh nghiệm giải quyết rắc rối những vụ việc tương tự. Đừng bao giờ, để con bạn cảm thấy đơn độc, không ai hiểu mình sinh ra khép kín. Trở nên một con người tự ti, mất niềm tin trong cuộc sống.