1. Tại sao tiếng Anh lại cần thiết?
Khi hỏi các bạn nhỏ rằng “Các em nghĩ việc học tiếng Anh có quan trọng không?” thì tất cả các em nhỏ đều trả lời là “Có”, và với rất nhiều lý do khác nhau như:
- Để đi du học nước ngoài
- Để sử dụng trong công việc khi lớn lên
- Để đi du lịch/ để đi được nhiều nơi trên thế giới, v.v..
Các em nhỏ đều biết rằng mình nên học tiếng Anh vì tương lai sẽ cần sử dụng rất nhiều đến nó, nhưng còn một điều khiến tiếng Anh trở ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới đó là bởi vì: 70% tài liệu trên thế giới đều viết bằng tiếng Anh (bao gồm báo chí, phim ảnh, nghiên cứu khoa học, báo cáo khoa học, sách, truyện…), đồng thời khoảng hơn 4 tỷ người trên thế giới sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giao dịch chính hàng ngày.
Nếu các em sử dụng tiếng Anh thành thạo thì các em sẽ thâm nhập được vào 70% trí thông minh của nhân loại và sẽ giao tiếp tốt hơn 60% dân số thế giới.
Là phụ huynh, bất cứ ai cũng muốn rằng sau này con mình sẽ tự tin để dám đón nhận thử thách, cơ hội để cuộc sống của con mình sẽ nhiều màu sắc hơn và con đường đi đến thành công của con sẽ ngắn hơn. Các con sẽ tự tin hơn khi các em có kiến thức rộng rãi và giao tiếp tốt, môn tiếng Anh sẽ là một công cụ hữu hiệu để con đạt được điều này.
2. Một ngôn ngữ được cấu thành như thế nào?
Phương Anh đã từng có cơ hội được tiếp cận với phương pháp dạy tiếng Anh của bác Ngô Quốc Tỷ
Bác Ngô Quý Tỷ – nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Việt Nam, và cũng là nhà ngôn ngữ thông thái. Bác Tỷ là người có khả năng học và sửu dụng thuần thục một ngôn ngữ mới trong vòng 1-3 tháng, bác Tỷ học tiếng Ba Lan trong vòng 3 tháng và sau đó soạn được ra hiệp ước Việt Nam – Ba Lan bằng tiếng Ba Lan để hai chính phủ kí kết.
Theo phương pháp của bác Tỷ, và tham khảo tài liệu nghiên cứu về ngôn ngữ của đại học Oxford thì có một điểm chung trong các lý thuyết, đó là:
Một ngôn ngữ được xây dựng nên đầu tiên là các từ ngữ, nhiều từ ngữ ghép lại với nhau sẽ thành cụm từ, nhiều cụm từ ghép lại với nhau sẽ thành câu, và các loại hình câu khác nhau ghép lại với nhau sẽ thành một ngôn ngữ. Như vậy, yếu tố đầu tiên để cấu thành một ngôn ngữ đó chính là “Từ ngữ”.
3. Con đã học tiếng Việt như thế nào?
Chắc chắn bậc cha mẹ nào cũng sẽ rất nhớ lần con cất tiếng nói đầu tiên. Các con sẽ bắt đầu biết nói từ khoảng 15 -24 tháng, và đầu tiên khi con biết nói, con sẽ chỉ nói được từng từ một, ví dụ: “bà”, “mẹ”, “ba”…
Giai đoạn đầu, là giai đoạn học từ của con sẽ kéo dài từ một năm đến một năm rưỡi. Sang đến giai đoạn thứ hai thì con bắt đầu nói được những cụm từ đủ để người khác hiểu được ý nghĩa con muốn nói nhưng chưa phải là câu hoàn chỉnh, Ví dụ: “mẹ cho Cún ăn, Cún đói”, “mẹ bật TV”… nhưng ở giai đoạn này những gì con nói thì chủ yếu mang tính chất bắt chước từ người lớn và đôi khi con không hiểu ý hết ý nghĩa của những câu nói đó. Và khoảng từ bốn tuổi rưỡi đến năm tuổi trở ra thì con bắt đầu nói được những câu hoàn chỉnh và cũng bắt đầu hiểu về những điều mình nói ra.
4. Lứa tuổi nào thì phù hợp để con bắt đầu học một ngôn ngữ mới?
Từ lúc con chưa biết nói cho đến khi con nói thành thạo tiếng Việt sẽ mất khoảng 3 năm đến 4 năm, và để con có thể nghe, nói, đọc, viết thuần thục và sử dụng tiếng Việt một cách hoàn chỉnh thì phải đến khi con học hết lớp 3, tức là con sẽ phải mất khoảng 7 năm để làm việc đó. Và theo kinh nghiệm cá nhân của Phương Anh sau quá trình đi học nước ngoài về, mong phụ huynh hãy kiên nhẫn trong quá trình học tiếng Anh với con, và hãy giữ kỳ vọng con của mình ở mức độ thấp để tránh gây áp lực học cho con, cũng nhu tránh được sự thất vọng trong chính anh chị.
Phương Anh bắt đầu sang Anh, lúc đó Phương Anh được IELTS 6.5 (đây là bài kiểm tra tiếng Anh quốc tế dành cho các nước không nói tiếng Anh, và điểm tuyệt đối của hệ thống này là 9), mức điểm tiếng Anh của Phương Anh là mức điểm có thể vào được khóa Thạc sỹ của khoảng 70% các trường đại học trên thế giới. Tuy nhiên khi Phương Anh sang sống tại Anh thì Phương Anh phải mất 2 năm để có thể hiểu được 70% – 80% những gì họ nói, mà khi đó Phương Anh ở trong một môi trường hoàn hảo đó là hoàn toàn không có người Việt Nam. Và với tốc độ học tiếng Anh rất nhanh thì Phương Anh dự đoán bản thân sẽ mất khoảng 5 năm để nghe, nói, đọc, viết thành thạo ở mức cao cấp và sẽ mất khoảng 9 năm để có thể sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.
Theo các nghiên cứu khoa học trước đây, tuổi để con có thể học tiếng Anh tốt nhất là 5 tuổi trở lên. Họ giải thích rằng, nếu học tiếng Anh trước 5 tuổi thì trẻ có khả năng bị rối loạn ngôn ngữ, vì con sẽ chưa phân biệt được ngôn ngữ nào là ngôn ngữ chính nên con rất dễ nói lẫn 2 ngôn ngữ với nhau trong cùng một lúc. Điều này xảy ra khá thường xuyên khi con có bố mẹ nói 2 ngôn ngữ khác nhau, và sự nói lẫn ngôn ngữ – rối loạn ngôn ngữ này sẽ có ảnh hưởng rất xấu với trẻ ở chỗ là: “ngôn ngữ là vỏ bọc của tư duy”, và khi trẻ nói lẫn các ngôn ngữ với nhau thì người khác sẽ không hiểu trẻ nói gì, và khi trẻ không thể bộc lộ suy nghĩ cảm xúc của mình với người khác thì trẻ sẽ có những phản ứng tiêu cực như nổi cáu, nóng giận bất thình lình, hoặc trẻ sẽ thu mình lại và không nói chuyện với mọi người nữa. Và là bậc cha mẹ thì chắc anh chị hiểu rõ nhất rằng cả hai điều trên đều ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tích cực của trẻ.
Tuy nhiên, theo những nghiên cứu gần đây hơn, cùng với quy chiếu về “trí thông minh ngôn ngữ” của Howard Gadner (tác giả của thuyết Trí thông minh đa dạng, hay còn biết đến là thuyết 7 loại hình trí thông minh), thì các nhà ngôn ngữ đã khuyên rằng, giai đoạn học tiếng Anh tốt nhất cho trẻ đó chính là từ 12 tuổi trở lên, đó là khi vốn tiếng Việt của các con đãhoàn chỉnh ở mức độ cao, vốn từ tiếng Việt của các con đã phát triển rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, và con đã có đủ khả năng để biến tiếng Việt thành hệ quy chiếu cho tiếng Anh để xây dựng vốn tiếng Anh, nhanh hơn, cụ thể rõ ràng hơn bằng chính vốn tiếng Việt của mình.
Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ lại có một khả năng khác nhau và có sự say mê khác nhau đối với ngôn ngữ, chính vì vậy, bố mẹ hãy dựa vào khả năng thuần thục tiếng Việt của con để quyết định lúc nào là lúc con nên bắt đầu học tiếng Anh.
-
Con nên bắt đầu học tiếng Anh như thế nào? (nghe – nói, đọc – viết)
Phương Anh nghĩ rằng bất cứ ai cũng nên học tiếng Anh theo cách chúng ta đã học tiếng Việt đó chính là đầu tiên nên học kỹ năng nghe và nói, sau khi đó mới đọc và viết. Chính vì vậy, nên Phương Anh đưa ra phương pháp đó là học từ vựng trước, học được càng nhiều thì sau này con sẽ càng tự tin, và bởi vì tiếng Anh hay tiếng Việt cũng là một ngôn ngữ, và bản chất của ngôn ngữ là để giao tiếp, chúng ta chỉ có thể giao tiếp có hiệu quả khi người nói và người nghe hiểu được thông điệp của nhau. Chính vì vậy, mấu chốt để con sử dụng được tiếng Anh tốt không phải là ở việc con sẽ nói và viết đúng ngữ pháp, mà là ở việc con dù gặp hoàn cảnh nào cũng có khả năng diễn tả được những điều mình cần truyền đạt cho người nghe.
Như Phương Anh đã trình bày ở trên, yếu tố đầu tiên để hình thành một ngôn ngữ đó chính là từ vựng. Sau đây, Phương Anh xin được giới thiệu cách học từ vựng vui và thú vị mà cha mẹ có thể giúp con và học cùng con.
-
Cách viết nghĩa của từ:
Khi học từ mới tiếng Anh ở trường thì con sẽ có thói quen viết nghĩa của từ như sau: banana: quả chuối (viết từ tiếng Anh trước, rồi viết nghĩa tiếng Việt sau) Cách viết này sẽ khiến các con khó nhớ được nghĩa của từ, vì bộ não của chúng ta làm việc theo nguyên tắc ghi nhớ là gắn điều chưa biết vào điều đã biết để ghi nhớ. Để rõ ràng hơn, Phương Anh xin đưa ra một ví dụ như sau: anh chị đang cầm trên tay một tờ giới thiệu sản phẩm có cả tiếng Việt và tiếng Anh thì anh chị sẽ nhìn vào ngôn ngữ nào trước? chắc chắn là tiếng Việt rồi phải không ạ? Vì tiếng Việt là điều chúng ta đã biết, còn tiếng Anh là điều chúng ta chưa biết hoặc biết ít hơn, hoặc ít thân thuộc hơn. Và từ bản giới thiệu bằng tiếng Việt, chúng ta nhìn sang bản tiếng Anh thì chúng ta có ; thể học được thêm vài từ mới, vì chúng ta có một hệ quy chiếu tiếng Việt ở đó. Vì vậy, cha mẹ hãy khuyến khích con viết nghĩa tiếng Việt của từ theo cách mới đó: quả chuối là banana (thay vì cách cũ là Banana: quả chuối ) Điều này không chỉ giúp các con nhớ từ nhanh hơn mà đồng thời còn giúp các con tra từ nhanh hơn và ôn tập từ mới nhanh hơn.
-
Học từ bằng 5 giác quan: Câu hỏi đặt ra đầu tiên là “Tại sao lại học bằng phương pháp này?”
Trong các cuốn sách dạy về phương pháp học tập đều chỉ ra rất rõ rằng chúng ta sẽ ghi nhớ được 90% những gì chúng ta nghe, đọc và thực hành. Tiếp theo, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta sẽ ghi nhớ rất lâu những gì do chính chúng ta tự tưởng tượng ra, anh chị hãy thử nghĩ lại xem có phải anh chị vẫn còn nhớ những câu chuyện mà anh chị tự bịa ra để kể cho bạn bè từ hồi cấp 1, phải không ạ? Đồng thời, “hài hước” cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc ghi nhớ, nghiên cứu về bộ não con người chỉ ra rằng, con người có xu hướng nhớ nhất những điều khiến chúng ta vui nhất và những điều khiến chúng ta buồn nhất. Vậy, việc gắn cảm xúc tích cực (vui vẻ, hài hước) vào những điều chúng ta học sẽ khiến ta nhớ điều ta học được rất lâu. Vì những lý do trên, Phương Anh đã đưa ra phương pháp học tiếng Anh bằng cả 5 giác quan:
Như vậy, cách học bằng 5 giác quan đó là: “Mắt nhìn, Miệng đọc, Tai nghe từ, Tay viết và Não tưởng tượng”
-
Cách nhớ từ mới bằng 1 câu chuyện
Để nhớ được một từ thật lâu thì chúng ta có thể tự bịa ra một câu chuyện trong đó, từ mới xuất hiện từ 5-7 lần, hoặc nhiều hơn thì có thể từ 7-10 lần. Ví dụ với từ “banana”, Phương Anh có câu chuyện như sau: “Một ngày đẹp trời, tự nhiên tôi bị thả xuống một hoang đảo không có một thứ gì cả, chỉ toàn những cây banana. Tôi không có việc gì để làm cả nên việc đầu tiên tôi nghĩ ra đó chính là thiết kế một bộ sưu tập bikini toàn bằng vỏ banana. Khi chán rồi, thì tôi đã quyết định xây một lâu đài to thật là to bằng banana, trong đó có những chiếc giường êm bằng banana. Sau đó, tôi chợt muốn hòn đảo này sẽ phải ghi dấu của mình, nên tôi đã xây dựng một bức tượng của mình thật to, cũng toàn bộ bằng banana.” Để nhớ được nhiều từ mới hơn, chúng ta cũng có thể sử dụng cách trên tức là bịa ra những câu chuyện thật hài hước của riêng mình và lồng những từ mới tiếng Anh vào đó. Tuy nhiên, học tiếng Anh là cả một quá trình, nên anh chị hãy kiên trì cùng con, hãy nhắc con mỗi ngày chỉ cần học 1 ít, mỗi ngày con nên chỉ học 3 từ mới, nhưng nếu ngày nào con cũng học và nhớ thật kỹ được 3 từ thì sau 1 năm thôi, vốn tiếng Anh của con sẽ rất nhiều.
-
Học nghe, nói tiếng Anh vui và hiệu quả:
Để nghe và nói tốt, cách nhanh và đơn giản nhất với các con đó là bắt chước. Anh chị có thể chọn một bộ phim hoạt hình phụ đề mà con thích, lần đầu tiên anh chị để con xem phim với phụ đề tiếng Việt để con hiểu được nội dung toàn bộ phim, sau đó, cho con xem lại bằng phụ đề tiếng Anh và khuyến khích con bắt chước nói lại những đoạn hội thoại trong phim. Đây là cách rất vui, và cũng rất hiệu quả để giúp các con học được các mẫu câu mới, học được sự nhấn âm và nhịp của câu, một điều khác cũng không kém quan trọng đó là con học được rằng câu này sẽ được nói trong hoàn cảnh nào trong cuộc sống.
Hồi Phương Anh mới sang Anh, Phương Anh đã chọn một bộ phim Phương Anh thích nhất và đã xem đi xem lại khoảng gần 50 lần để học tiếng Anh. Sau đó Phương Anh lại chọn những bộ phim Anh với các nói và phát âm của người Anh để Phương Anh luyện được âm Anh chuẩn theo họ, chính vì vậy, sau chỉ 2 năm ở Anh, bây giờ Phương Anh đi các nơi trên thế giới thì họ cũng dễ dàng nhận ra Phương Anh đã từng sống tại Anh và họ cũng rất tôn trọng mình khi mình nói được tiếng Anh giống người Anh. Trên đây là một số những phương pháp học tiếng Anh mà Phương Anh đã xây dựng trong quá trình mình học và giảng dạy môn tiếng Anh, rất mong rằng những kinh nghiệm và phương pháp của Phương Anh sẽ giúp được anh chị trong quá trình anh chị hướng dẫn hoặc học tiếng Anh cùng con.
Đỗ Ngọc Phương Anh là Cử nhân lớp Kinh tế và Quản lý Công – Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2007 và lấy bằng Thạc sỹ Quản lý Marketing – Đại học Derby, Anh Quốc năm 2009. Sau 03 năm học tập và tu nghiệp tại Anh Quốc, chị quay về Việt Nam. Một thời gian làm việc ở những lĩnh vực liên quan đến truyền thông, kinh tế… khiến chị nhận ra đó chưa phải là những gì mình thực sự tâm huyết. Phương Anh quyết định tạm dừng, bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu về lĩnh vực đào tạo kỹ năng và nhận thấy đây mới thực sự là những gì chị muốn dành toàn bộ tâm huyết của mình.
Thân ái
Phương Anh