Tình hình là tôi vừa xuất bản một cuốn sách. Thật ra trước đây tôi đã có một cuốn sách (nếu bạn cho phép tôi gọi nó là sách). Vâng, cuốn Cẩm Nang Xanh cho bà Nội Trợ dày 16 trang do tôi tự xuất bản trong dự án môi trường của mình. Nhưng hôm nay, tôi đang nói về một cuốn sách khác, một cuốn sách dày 272 trang do First News phát hành, và nó không về môi trường. Cuốn sách này tôi viết về “Chuyện thực tập”.
Cuốn sách tôi viết khi tôi 21 – “CHUYỆN THỰC TẬP”
Bởi nó không về môi trường, nên ban đầu tôi rất ngại khi chia sẻ với bạn bè trong lĩnh vực về môi trường và hoạt động xã hội. Tôi không muốn mang tiếng là lợi dụng những chuyện tôi đã làm trước đây trong một lĩnh vực và mục đích hoàn toàn khác để “PR” cho một công việc không liên quan. Thậm chí, tôi đã rất phiền lòng khi đơn vị phát hành nhắc đến các hoạt động về môi trường của tôi trong quá trình quảng bá cho sách.
Hôm nay tôi gặp chị Cá Ngựa, chị bảo tôi:
“Sao em không share với mạng lưới Thế Hệ Xanh. Đây là một mạng lưới và mọi người ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong bất kỳ việc gì chúng ta làm”. Thế là tôi về nhà và ngồi gõ cái note này, viết vài dòng gì đó cho Mạng lưới Thế Hệ Xanh, cho các bạn trẻ luôn muốn làm một chuyện gì đó có ý nghĩa cho cộng động, cho những năm 20 của mình. ——————– Cũng trong tối nay, tôi gặp Yến, Mèo Cá, chị Dung và Mỹ. Mỹ cho tôi 1 phút để thuyết phục Mỹ thích quyển sách của tôi. Rất hiển nhiên, là cái tên sách đã nói lên tất cả -
“Chuyên Thực Tập”, ai cũng sẽ phải đi thực tập một lần, và đọc về nó để ngẫm nghĩ thêm đôi chút về giai đoạn này. Tôi cũng nói là sách của tôi rất vui, có hình minh họa do tôi tự vẽ và Mỹ nên mua để chúng tôi có cơ hội gặp nhau café 1 lần nữa, để tôi ký tặng sách cho Mỹ.
Một trong các hình minh họa do tôi tự vẽ
Mỹ bảo tôi còn lý do nào khác không. Bấy nhiêu ấy chưa đủ thuyết phục, và rõ là Mỹ có vẻ chẳng mấy quan tâm đến chủ đề thực tập như bọn bạn của tôi. Câu hỏi của Mỹ khiến tôi bất ngờ. Phải, thế ngoài những mẩu chuyện vui vui về thực tập, sách của tôi mang lại giá trị gì? Phải có gì đó mạnh mẽ và truyền cảm hứng hơn nữa. Ngẫm nghĩ 1 lúc tôi bảo: “Hãy ủng hộ nó vì đây là cuốn sách viết bởi một người trẻ. Và, đằng sau đó là khát vọng của mình về những người trẻ viết sách” ——————–
Một năm trước, sau dự án Cẩm Nang Xanh cho Bà Nội Trợ, tôi bắt đầu có suy nghĩ về việc được bước vào 1 hiệu sách và nhìn thấy 1 cuốn sách với tên mình trên đó được trưng trên kệ. Nó dừng ở mức 1 suy nghĩ, không phải 1 ước mơ, càng không phải 1 kế hoạch. Bởi với tôi lúc ấy, viết và xuất bản 1 cuốn sách là cái gì xa vời lắm, khó khăn lắm và không tưởng lắm. Không biết phải bắt đầu từ đâu, không biết phải đi những bước nào? Và, đơn giản là không tin mình làm được. Phần lớn bạn bè tôi cũng không tin tôi có thể xuất bản một cuốn sách của mình khi còn là sinh viên đại học. Niềm tin của tôi càng bị dập tơi tả hơn, khi tôi gửi bản thảo của mình đi khá nhiều nhà xuất bản. 99.99% họ không trả lời và 0.01% họ từ chối.
Vô vọng như thể bạn đi tìm tài trợ và số điện thoại tiếp tân “google” được trên mạng là contact duy nhất bạn có. Rồi, thì tôi từ bỏ ý nghĩ cuốn sách của tôi được bày bán trong hiệu. Nhưng tôi không từ bỏ ý định viết sách. Thế là tôi viết, viết như thể đó là một sở thích nhiều hơn là một công việc, viết để chia sẻ nhiều hơn là mong nó được in thành sách. Tôi viết với ý định làm thành một file PDF và chia sẻ cho bạn bè của mình. Ở đó, tôi kể một câu chuyện rất quen, nhưng nó thú vị ở chỗ đó là góc nhìn và cách cảm nhận của riêng tôi. Ở đó, tôi viết bằng một giọng văn mộc mạc của một đứa học ban tự nhiên điểm văn chưa bao giờ qua 7 phẩy. Viết đơn sơ, không màu mè như thể cách tôi vẫn trò chuyện hằng ngày. Và tôi kể câu chuyển của mình bằng tất cả những gì tôi có, bằng mọi khả năng của tôi: vừa viết, vừa vẽ minh họa. Tình cờ thay, trong lúc chia sẻ thành quả của mình, file PDF của tôi đã được đọc bởi 1 người chị có thể giúp tôi tiến đến First News và biến file PDF ấy thành một cuốn sách thật. ——————— Hôm nọ, tôi gặp một chị nhà văn, người mà tôi rất ngưỡng mộ và muốn thỉnh giáo. Thế rồi, chị đã nói những câu khiến tôi đau lòng: “Đừng đọc những cuốn sách viết bởi những cây bút 9x. Họ chỉ thu hút các bạn bằng 1 cốt truyện thôi và các bạn không cần cốt truyện, cuộc sống của các bạn đủ thú vị nên hãy đọc 1 tác phẩm văn học thực thụ viết bởi những nhà văn để cảm nhận đỉnh cao của ngôn từ và phát triển khả năng ngôn ngữ của bạn. Chỉ những thứ có tầm như vậy mới khiến bạn phát triển”. Tôi đã rất mong kết thúc phần nói của chị, tôi sẽ đến và nói: “Vâng, em chỉ là một đứa sinh viên. Em không tầm cỡ và em có thù với ngôn ngữ. Nhưng sách không chỉ có sách văn học cao siêu. Và viết sách không phải chỉ là chuyện của nhà văn. Bởi cuộc sống của mọi người đều thú vị, hãy cho tất cả mọi người, dù già hay trẻ, có là nhà văn hay chỉ là sinh viên, có tầm hay không tầm, một cơ hội để viết về câu chuyện của họ một cách đơn giản, gần gũi và thật nhất. Nó hấp dẫn là bởi sự mộc mạc, thú vị chứ không phải bởi ngôn từ hay đỉnh cao trí tuệ”. Nhưng chị ấy đã bỏ đi mất hút ngay sau phần trao đổi của mình. Tôi buồn vì biết rằng, rất nhiều người đang suy nghĩ như vậy. Và đó trở thành lớp lớp rào cản ngăn các bạn trẻ cầm bút, ngăn những cuốn sách từ cây bút nghiệp dư ra đời.
Định kiến khiến ta nghĩ rằng đọc sách là để học và ta phải học từ người giỏi hơn mình. Phải, đọc sách là để học và ta vẫn đang học vô vàn điều từ những người rất bình thường đấy thôi. Ai cũng có điều gì đó hay để tôi học và
khi đọc một cuốn sách, tôi không mong nó được viết bởi ai đó quá cao siêu. ——————- Tôi viết cuốn sách của mình không phải chỉ đế kể 1 câu chuyện thực tập. Tôi đã viết nó với một khát vọng của người trẻ cầm bút và với hy vọng rằng cuốn sách viết bởi một SV 21 tuổi như tôi sẽ khiến nhiều bạn trẻ khác nghĩ về chuyện viết một cuốn sách cho mình. Có thể là 1 cuốn sách được xuất bản, hay đơn giản chỉ là 1 file PDF. Tôi đã hy vọng khi đọc cuốn sách của tôi, viết từ những trải nghiệm rất bé nhỏ và gần gũi, ai cũng đã trải qua, mọi người sẽ nhận ra cuộc sống dẫu bình dị đến mấy vẫn vô cùng hấp dẫn. Và, tất cả chúng ta, những người trẻ sẽ nhìn cuộc sống của mình sâu hơn để thấy chúng ta đều sống như 1 cuốn sách hay. Từng có người hỏi tôi khi cuốn sách được phát hành:
“Bạn có thấy mọi thứ quá dễ dàng với bạn không?” Tôi mừng vì câu hỏi đó. Tôi mong là mọi người sẽ cảm thấy viết một cuốn sách dễ thật. Tôi mong sẽ đập tan cái quan niệm rằng làm sách rất khó và đó chỉ dành cho nhà văn hay các nhân vật kỳ cựu. Tôi mong như thế, rằng mọi người sẽ nghĩ viết sách rất đơn giản,
ai cũng có thể bắt đầu và viết 1 cuốn sách cho riêng mình từ hôm nay. Những chuyện rất bình thường thôi, như sáng nay thức dậy thế nào, ăn món gì, lái xe đi học ra sao… Cùng những sự kiện ấy, mỗi chúng ta lại cảm nhận và trải nghiệm khác nhau, và rồi chính chúng ta có thể viết thành những cuốn sách khác nhau từ cùng những thứ đơn giản như vậy.
Nếu người trẻ nào cũng muốn viết sách và viết sách thật rồi chia sẻ cho nhau đọc thì cuộc sống thật là giàu có biết bao! Nếu Mai Anh ngố viết được một cuốn sách ở tuổi 21, thì bạn cũng vậy!
Khiến cho mọi người nghĩ viết sách rất dễ dàng là một chuyện không dễ. Để tạo nên niềm tin ấy, câu chuyện của tôi, cuốn sách của tôi là chưa đủ. Chúng ta cần các bạn, mỗi người cùng thay đổi suy nghĩ, ấp ủ về chuyện viết một cuốn sách, hay đơn giản ủng hộ cuốn sách viết bởi một người trẻ.
Những điều tôi viết ở trang đầu tiên của cuốn sách. Điều tôi tự nhủ với mình và nhắn nhủ với các bạn về 1 khát vọng người trẻ viết sách
Bài Viết Sưu Tập
Tác Giả: Đặng Huỳnh Mai Anh
Nguồn: Lặng Chết