Định hướng nghề nghiệp một số chuyên ngành nổi bật trong khối ngành Y - Dược
Khối ngành Y Dược là một trong những khối ngành thu hút được sự quan tâm đông đảo của học sinh, với lượng hồ sơ đăng ký dự thi hàng năm lớn, tỉ lệ chọi cao, điểm chuẩn của các chuyên ngành này luôn nằm trong các ngành có điểm chuẩn cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ các năm qua. Đặc biết, những ngành thu hút lượng hồ sơ lớn, điểm chuẩn luôn trên 20 như Bác sĩ đa khoa, Bác sĩ Răng hàm mặt, Dược học… Dưới đây là một vài thông tin về các chuyên ngành nổi bật trong khối Y Dược học sinh và phụ huynh có thể tham khảo thêm.
1. Bác sĩ đa khoa Bác sĩ đa khoa là một trong những ngành lấy điểm chuẩn cao nhất trong khối ngành Y Dược nói riêng và các ngành thi ĐH-CĐ nói chung. Chuyên ngành Bác sĩ đa khoa có chương trình đào tạo 6 năm, sinh viên được trang bị các kiến thức chuyên sâu về y học lâm sàng và cộng đồng, Y học hiện đại, Y học cổ truyền. Với chương trình đào tạo toàn diện, sau khi tốt nghiệp sinh viên ngành bác sĩ đa khoa có khả năng khám và chữa bệnh ở các cơ sở y tế; điều trị và hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân tại nhà; thực hiện công tác phòng bệnh và giáo dục sức khỏe; tổ chức và quản lý các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng; tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: Các bệnh viện, các cơ sở y tế và một số ban ngành có nhu cầu sử dụng bác sĩ đa khoa… Sau khi tốt nghiệp ngành Bác sĩ đa khoa, nếu muốn đi theo chuyên khoa nào thì cần học thêm 1-2 năm định hướng theo chuyên khoa sinh viện chọn (học Bác sĩ nội trú) tại các bệnh viện, sau đó người học có thể học nâng cao chuyên ngành (BSCK cấp I hoặc cao học) tùy theo bằng cấp và yêu cầu của chuyên ngành.
2. Bác sĩ y học cổ truyền Chuyên ngành Bác sĩ y học cổ truyền có chương trình đào tạo 6 năm, được đào tạo chuyên sâu về sử dụng thuốc Bắc, thuốc Nam, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt… để chữa bệnh và nghiên cứu các phương pháp tập luyện phục hồi chức năng cho người bệnh.
Sinh viên học ngành Bác sĩ Y học cổ truyền ngoài các kiến thức đại cương sinh viên còn được nghiên cứu chuyên sâu về Y học cổ truyền: Dược học cổ truyền (Thực vật dược, Dược lâm sàng, Dược học cổ truyền, Chế biến dược liệu, Các phương pháp bào chế các dạng thuốc y học cổ truyên); Dưỡng sinh (Phương pháp xoa bóp, Phương pháp thực dưỡng); Châm cứu (Điện châm, Đầu châm, Châm tê, Thủy châm); Bệnh học (Bệnh học kết hợp nội khoa, Bệnh học kết hợp Ngoại, Nhi, Nhiễm, Phụ sản và Điều trị học dùng thuốc y học cổ truyền…). Sinh viên sau khi ra trường có khả năng khám, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, dự phòng bệnh tật, giáo dục tăng cường sức khỏe bằng y học cổ truyền; phát hiện và xử lý ban đầu một số bệnh cấp cứu; tổ chức quản lý các dịch vụ, các chương trình chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền tại cộng đồng; tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học…
3. Bác sĩ Răng Hàm Mặt Thời gian đào tạo: 6 năm Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt được đào tạo chuyên sâu về Răng - Hàm - Mặt; có nhiệm vụ khám, chữa bệnh, phẫu thuật, khôi phục chức năng về răng, hàm, mặt cho người bệnh.
Sinh viên học ngành Bác sĩ Răng- Hàm - Mặt ngoài các kiến thức chung còn được đào tạo chuyên sâu về Răng - Hàm - Mặt như: Nha khoa cơ sở, Phẫu thuật hàm mặt, Mô phỏng nha khoa… để khi học xong sinh viên chuyên ngành có khả năng khám và chữa bệnh răng miệng ở các cơ sở y tế; làm công tác phòng bệnh, tư vấn và giáo dục sức khỏe răng miệng; tổ chức quản lý các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng; tham gia công tác đào tạo nghiên cứu khoa học…
4. Bác sĩ y học dự phòng Thời gian đào tạo: 6 năm Bác sĩ y tế dự phòng được đào tạo chuyên sâu về công tác phòng chống, kiểm soát các bệnh truyền nhiễm gây dịch, bệnh xã hội, sức khỏe môi trường, sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe trường học, dinh dưỡng cộng đồng... Quản lý vắc xin, sinh phẩm y tế và hoá chất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế. Y học dự phòng là cầu nối giữa y học và y tế công cộng. Trong khi y học quan tâm đến chẩn đoán và điều trị bệnh cho một bệnh nhân thì y tế công cộng quan tâm nhiều hơn đến phòng bệnh và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng. Vì vậy mục tiêu hàng đầu của Y học dự phòng là nâng cao sức khỏe của cá nhân, gia đình và cả cộng đồng. Sinh viên ngành Bác sĩ y tế dự phòng được đào tạo như Bác sĩ đa khoa và chuyên sâu về các vấn đề chẩn đoán sức khỏe cộng đồng, sức khỏe dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, các vấn đề sức khỏe liên quan các tác nhân ngoại sinh, nội sinh, kể cả di truyền và lối sống, dịch bệnh nhiễm trùng, không nhiễm trùng, dịch bệnh liên quan đến lứa tuổi, phòng chống các bệnh xã hội, quản lý các chương trình dịch vụ y tế, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe…
5. Cử nhân điều dưỡng. Tùy thuộc vào hệ đào tạo mà có thời gian đào tạo khác nhau, thời gian đào tạo trong các trường đại học cấp bằng cử nhân điều dưỡng là 4 năm. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân điều dưỡng có các kỹ năng: Tổ chức thực hiện tốt y lệnh của bác sĩ, đề xuất các biện pháp xử lý hợp lý, phối hợp với bác sĩ để chăm sóc và nâng cao sức khỏe người bệnh; thực hiện được đầy đủ và thành thạo các kỹ thuật chăm sóc điều dưỡng tại các cơ sở y tế điều trị; xây dựng, lập kế hoạch thực hiện và tổ chức thực hiện quy trình điều dưỡng tại các cơ sở y tế điều trị; làm tốt công tác quản lý ngành, tham gia tổ chức và đào tạo cán bộ điều dưỡng và các nhân viên y tế; áp dụng y học cổ truyền trong công tác chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho nhân dân; tham gia phát hiện sớm các bệnh dịch tại địa phương và đề xuất các biện pháp phối hợp nhằm phòng chống dịch; tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh và cộng đồng.
6. Kỹ thuật y học Chương trình đào tạo ngành kỹ thuật y học 4 năm, có các trường phân chia thành các chuyên ngành như: xét nghiệm, kỹ thuật hình ảnh, vật lý trị liệu. Ngoài các kiến thức chung của khối ngành Y, người học được trang bị các kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành như: giải phẫu bệnh, huyết học cơ bản, huyết học tế bào, ký sinh trùng, đông máu, truyền máu, hóa sinh, vi sinh, gây mê hồi sức, xét nghiệm, vật lý trị liệu, X-quang….
7. Dược học Chương trình đào tạo trình độ ĐH ngành dược với thời gian 5 năm, Sinh viên được trang bị hệ thống kiến thức chung về khoa học cơ bản, y dược học cơ sở, có kiến thức chuyên môn cơ bản về sản xuất, đảm bảo chất lượng, cung úng và tư vấn sử dụng thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng; Các kiến thức bổ trợ về sản xuất và phát triển thuốc, dược lâm sàng; Quản lý, kinh doanh cung ứng trong lĩnh vực dược…. Sinh viên sau khi ra trường có thể công tác được trong các cơ quan quản lý, cơ sở điều trị, sản xuất, kinh doanh, kiểm tra giám sát chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng có yêu cầu sử dụng dược sỹ trình độ đại học. Có khả năng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý trong các đơn vị đào tạo và nghiên cứu chuyên môn y dược.
Mọi thắc mắc, thảo luận, tư vấn các bạn học sinh có thể đưa lên topic này để được hỗ trợ.